Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ

1. Phân tích cách thức bác bỏ trong hai đoạn trích (SGK Ngữ văn 11, tập hai, trang 31).
 
2. Trong buổi hội thảo về kinh nghiệm học môn Ngữ Văn của lớp có hai quan niệm:
a) Muốn học giỏi môn Ngữ Văn chỉ cần đọc nhiều sách, học thuộc nhiều thơ văn.
b) Không cần đọc nhiều sách, không cần học thuộc nhiều thơ văn, chỉ cần luyện nhiều về tư duy, về cách nói, cách viết là có thể học giỏi môn Ngữ Văn.
Anh (chị) hãy bác bỏ một trong hai quan niệm đó, rồi đề xuất một vài kinh nghiệm học Ngữ Văn tốt nhất.
 
3. Có quan niệm cho rằng: "Thanh niên, học sinh thời nay phải biết ăn diện, nhuộm tóc, hút thuốc lá, uống rượu, vào các vũ trường,... thế mới là cách sống "sành điệu" của tuổi trẻ thời hội nhập".
Anh (chị) hãy lập dàn ý và viết bài nghị luận bác bỏ quan niệm trên.
Lời giải:
Câu 1 trang 31 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Phân tích cách thức bác bỏ trong hai đoạn trích (SGK Ngữ văn 11, tập hai, trang 31).
 
Trả lời: 
 
a) Nghệ thuật bác bỏ trong đoạn văn của A. L. Ghéc-xen:
- Nội dung: Bác bỏ lối sống theo chủ nghĩa cá nhân.
- Cách bác bỏ: Dùng hình thức so sánh và lí lẽ để bác bỏ. Tác giả đã khéo léo so sánh lối sống cá nhân như là một khu vườn thơm được chăm sóc cẩn thận nhưng lại không thể chống được bão táp. Theo tác giá, người ta chẳng có gì "đáng thèm muốn" một cuộc sống như thế. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mỏng manh. Nó cần phải được trải qua những gian nan, thử thách.
b) Nghệ thuật bác bỏ trong đoạn trích của Ngô Thì Nhậm:
- Nội dung: Bác bỏ quan điểm kẻ sĩ không nên ra phụng sự công việc của thiên triều.
- Cách bác bỏ: Tác giả đưa ra hàng loạt những lập luận có tính chất lựa chọn, để từ đó hướng người nghe đến những lựa chọn đúng đắn, hợp lí. Lời lập luận vừa rất chặt chẽ, lại vừa giàu cảm xúc. Vì thế mà tính thuyết phục của đoạn bác bỏ rất cao.
 
Câu 2 trang 32 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Trong buổi hội thảo về kinh nghiệm học môn Ngữ Văn của lớp có hai quan niệm:
 
a) Muốn học giỏi môn Ngữ Văn chỉ cần đọc nhiều sách, học thuộc nhiều thơ văn.
b) Không cần đọc nhiều sách, không cần học thuộc nhiều thơ văn, chỉ cần luyện nhiều về tư duy, về cách nói, cách viết là có thể học giỏi môn Ngữ Văn.
Anh (chị) hãy bác bỏ một trong hai quan niệm đó, rồi đề xuất một vài kinh nghiệm học Ngữ Văn tốt nhất.
 
Trả lời:
* Triển khai viết đoạn văn theo bố cục dưới đây:
- Nêu ý kiến cần bác bỏ.
- Phân tích nguyên nhân (cả hai quan niệm trên đều bắt nguồn từ những suy nghĩ phiến diện, từ thái độ học tập, ý thức, động cơ,... rèn luyện, phấn đấu hạn chế,...)
- Chỉ ra những tác hại của những nhận thức sai lệch đó (ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập, tới sự rèn luyện phẩm chất đạo đức của thanh niên, học sinh,...).
- Đề xuất một vài suy nghĩ và hành động đúng đắn về vấn đề bàn luận.
* Bài viết (đoạn văn) cần viết sao cho luận cứ sáng sủa, rành mạch, sắp xếp hợp lí, dẫn chứng khoa học và chặt chẽ.
Ví dụ:  Có ý kiến cho rằng: “Muốn học giỏi môn Ngữ Văn chỉ cần đọc nhiều sách, học thuộc nhiều thơ văn”. Đó là ý kiến chưa hoàn toàn đúng. Quan niệm trên hẳn nảy sinh từ những người có suy nghĩ phiến diện, có thái độ học tập không nghiêm túc. Hoặc cũng có thể do người có suy nghĩ đó hạn chế về hiểu biết, đặc biệt là với việc học văn. Nếu chỉ cần đọc nhiều sách, học thuộc nhiều thơ thì việc học văn sẽ trở nên lệch, nhạt nhẽo. Một người chăm chỉ đọc sách, còn cần rèn luyện tư duy, cách nói, cách viết để việc học văn thực sự khoa học, có hiệu quả. Hơn nữa vừa đọc nhiều sách, vừa kết hợp rèn luyện tư duy, cách nói, cách viết cũng chính là chúng ta đang vừa học vừa hành. Nhờ vậy việc học văn sẽ trở nên thú vị hơn, văn có thể phục vụ chúng ta trong cuộc sống...

Câu 3 trang 32 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Có quan niệm cho rằng: "Thanh niên, học sinh thời nay phải biết ăn diện, nhuộm tóc, hút thuốc lá, uống rượu, vào các vũ trường,... thế mới là cách sống "sành điệu" của tuổi trẻ thời hội nhập". Anh (chị) hãy lập dàn ý và viết bài nghị luận bác bỏ quan niệm trên.
 
Trả lời: 
* Lập dàn ý; bài văn cần triển khai được các ý sau:
  - Dẫn dắt đưa ra quan niệm
-  Giải thích thế nào là “sành điệu”
- Những biểu hiện của cách sống sành điệu
- Nguyên nhân dẫn đến lối sống ‘sành điệu” của giới trẻ
- Hậu quả của lối sống đó
- Giải pháp, cách khắc phục
- Liên hệ bản thân.
* Viết văn
  Gần đây có nhiều bạn đua đòi theo những lối ăn chơi không lành mạnh. Họ quan niệm rằng: “Thanh niên, học sinh thời nay phải biết ăn diện, nhuộm tóc, hút thuốc lá, uống rượu, vào các vũ trường,... thế mới là cách sống "sành điệu" của tuổi trẻ thời hội nhập ". Đây là một vấn đề chúng ta rất cần quan tâm và cảnh báo mọi người.
  Vậy như thế nào là “sành điệu”.  Nhiều người nghĩ sành điệu là phải khác người. Cái áo phải quái dị hơn người, phải ngắn hơn người một tí, cái quần phải rộng thùng thình hay những lọn tóc phải vừa xanh vừa đỏ lại hoe vàng, thế mới là "sành điệu" Thực ra “sành điệu” là từ có nguồn gốc từ phương tây, ý chỉ những người hiểu biết cách ăn mặc phù hợp và tinh tế. Như thế, chắc hẳn “sành điệu” không phải là phải biết ăn diện, nhuộm tóc, hút thuốc lá, uống rượu, vào các vũ trường,...Vậy,  hẳn quan niệm trên là một quan niệm phiến diện, sai lầm cần phải chấn chỉnh lại.
  Nhưng cách ăn mặc sành điệu thực sự tinh tế, phù hợp là như thế nào? Sành điệu theo thuần phong mĩ tục không có nghĩa chúng ta phải mặc áo dài hay áo the khăn xếp mà đến lớp. Cái áo dài hay áo the khăn xếp giờ đã trở thành quốc phục nen chỉ cần mặc trong các ngày lễ. Thế đấy các bạn ạ! Sự sang trọng và văn minh đâu chỉ hiểu đơn thuần là ta đang mặc cái gì, mà còn phải hiểu thêm, ta mặc nó theo cách nào. Cách mặc ấy cần phù hợp với lứa tuổi, với đặc trưng của dân tộc và phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình! Không hiểu biết vể những điều này, chúng ta không bao giờ văn minh được, càng không thể nào vươn tới một cách ăn mặc vừa đẹp vừa lịch sự, lại vừa văn hóa nữa". Chẳng hạn, nếu một cơ quan, một công ty mặc đồng phục lịch sự, kín đáo thì chúng ta cũng mặc như vậy; đến trường, là học sinh chúng ta nên mặc đồng phục, đeo thẻ... Khi đi chơi chúng ta có thể ăn mặc thoải mái hơn những cũng cần chú ý hoàn cảnh xung quanh để ăn mặc sao cho phù hợp. Chẳng hạn 
không ai vô duyên đến mức mặc váy đỏ ngắn đến dự một đám tang, hoặc không nên mặc đồ hở hang vào chùa...
  Lối sống sành điệu sai chuẩn đó có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cách giáo dục của gia đình, do bản thân bạn đó thích ăn chơi, đua đòi. Quan trọng hơn cả là do sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình hiểu sai về cách ăn mặc sành điệu.
  Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần có cách hiểu đúng đắn về một khái niệm, biết cách ăn mặc phù hợp, chọn lối sống lành mạnh...như vậy là sành điệu. Cùng với đó, chúng ta cần biết tuyên truyền, giải thích cho các bạn chưa hiểu về lối sống sành điệu để các bạn lựa chọn được lối sống phù hợp.