Soạn bài Lẽ ghét thương - Trích Truyện Lục Vân Tiên Nguyễn Đình Chiểu
1. Anh (chị) hãy đọc các chú thích, tìm điểm chung giữa các đời vua mà ông Quán ghét và những con người mà ông Quán thương. Từ đó hãy nhận xét về cơ sở của lẽ ghét thương theo quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu?
2. Anh (chị) có nhận xét gì về cách dùng phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương trong đoạn thơ này? Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ?
3. Dựa vào cảm xúc của tác giả, hãy giải thích câu thơ ở phần đầu đoạn trích: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.
Lời giải:
I. Tìm hiểu tác phẩm
1. Tác giả
- Nguyễn Đình Chiểu xuất thân trong một gia đình nhà nho.
- Cuộc đời của nhà thơ tuy phải chịu nhiều đau thương, bệnh tật, công danh giang dở nhưng là một tấm gương sáng cao đẹp về nhân cách, nghị lực và ý chí, về lòng yêu nước, thương dân cùng thái độ kiên trung, bất khuất trước kẻ thù.
2. Tác phẩm
- Trích truyện Lục Vân Tiên từ câu 473 – 504, kể lại cuộc đối thoại của ông Quán và bốn chàng nho sinh khi họ cùng uống rượu, làm thơ trong quán ông trước khi vào trường thi.
II. Hướng dẫn học bài
Câu 1. Anh (chị) hãy đọc các chú thích, tìm điểm chung giữa các đời vua mà ông Quán ghét và những con người mà ông Quán thương. Từ đó hãy nhận xét về cơ sở của lẽ ghét thương theo quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu?
Trả lời:
- Ông Quán ghét những nhân vật nổi tiếng tàn ác: Kiệt Trụ mê dâm, U Lệ đa đoan, Ngũ Bá phân vân, Thúc Quý phân băng. Đó là những kẻ đã bày ra “chuyện tầm phào”.
=> Điểm chung: chúng đều là những kẻ thì ăn chơi sa đoạ, say sưa tranh giành quyền lực, đàn áp, bóc lột nhân dân, đẩy nhân dân vào cuộc sống vô cùng khổ cực. Ông Quán ghét những kẻ làm nhân dân phải chịu khổ cực. Ông Quán ghét do ông có lòng thương dân, vì dân, ghét những kẻ hại dân, làm cho nhân dân chịu lầm than, nhọc nhằn…
- Đối tượng “thương” là những bậc hiền tài một lòng giúp đời, giúp dân. Đó là: Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Liêm, Lạc.
=> Điểm chung: Họ đều là những con người nổi tiếng về tài và đức, song lại gặp chuyện không may mắn. Họ đều là người có nhân cách cao cả, đều hết lòng thương yêu dân chúng, sống trọn đạo bề tôi, giữ vững phẩm cách của nhà Nho. Đối tượng “thương” đều là những người tài đức vẹn toàn. Thái độ thương ở đây bao gồm cả sự cảm thông, trân trọng, kính phục của tác giả và cũng là sự tự thương mình của ông Đồ Chiểu.
Câu 2. Anh (chị) có nhận xét gì về cách dùng phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương trong đoạn thơ này? Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ?
Trả lời:
- Cặp từ đối nghĩa: ghét – thương trong đoạn trích được sử dụng rất đặc sắc và mang lại hiệu quả nghệ thuật cao. Từ ghét và thương đều được lặp lại 12 lần, sóng đôi, đăng đối khá linh hoạt, uyển chuyển. (hay ghét – hay thương; thương ghét – ghét thương; ghét ghét – thương thương; lại ghét – lại thương). Phép lặp cũng như sự vận dụng linh hoạt hai từ ghét – thương đã giúp biểu hiện nổi bật và tách bạch rõ ràng hai tình cảm trong tâm hồn tác giả. Trong trái tim tác giả, ghét và thương rành rọt, rõ ràng, đều sâu nặng, không nhạt nhòa, chung chung. Việc lặp lại hai từ này cũng làm tăng cường độ của cảm xúc: yêu thương và căm ghét đều đạt đến độ tột cùng, đều hết sức nồng nhiệt.
Câu 3. Dựa vào cảm xúc của tác giả, hãy giải thích câu thơ ở phần đầu đoạn trích: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.
Trả lời:
- "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương"
Câu thơ trên nằm trong đoạn trích “Lẽ ghé thương” của Nguyễn Đình Chiểu. Câu thơ gói trọn tâm tư, tư tưởng của nhà thơ. Yêu và ghét là hai phạm trù tình cảm gắn bó song song trong tâm hồn nhà thơ. Nhà thơ càng thương xót nhân dân phải chịu lầm than, khổ cực, thương những con người tài đức mà bị vùi dập, phải mai một tài năng thì nhà thơ lại càng căm ghét sâu sắc những kẻ làm hại dân, hại đời, đẩy con người vào những cảnh ngộ éo le, oan nghiệt. Trong trái tim yêu thương mênh mông của nhà thơ, hai tình cảm yêu, ghét cứ đan cài, nối tiếp nhau hòa cùng nhịp đập với cuộc đời, với nhân dân, bởi "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương". Đó chính là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu.
III. Luyện tập
Theo anh (chị), câu thơ nào trong đoạn trích có thể thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn? Hãy viết đoạn văn trình bày cảm nhận của mình về câu thơ đó.
Trả lời:
- Theo em, câu thơ thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn trích là câu:
"Vì chưng hay ghét cũng là hay thương"
Yêu và ghét là hai phạm trù tình cảm gắn bó song song trong tâm hồn nhà thơ. Nhà thơ càng thương xót nhân dân phải chịu lầm than, khổ cực, thương những con người tài đức mà bị vùi dập, phải mai một tài năng thì nhà thơ lại càng căm ghét sâu sắc những kẻ làm hại dân, hại đời, đẩy con người vào những cảnh ngộ éo le, oan nghiệt. Trong trái tim yêu thương mênh mông của nhà thơ, hai tình cảm yêu, ghét cứ đan cài, nối tiếp nhau hoà cùng nhịp đập với cuộc đời, với nhân dân, bởi "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương". Đó chính là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyền Đình Chiểu vậy.
Đoạn thơ mang tính chất triết lí đạo đức mà không hề khô khan, cứng nhắc, trái lại vẫn giàu chất trữ tình và dạt dào cảm xúc. Những cảm xúc sâu sắc và nồng đượm đó xuất phát từ cõi tâm trong sáng, cao cả của nhà thơ, từ một trái tim nặng trĩu tình đời, tình người tha thiết.
+ Mở rộng xem đầy đủ