Soạn bài Từ ấy - Tố Hữu
1. Tố Hữu đã dùng những hình ảnh nào để chỉ lí tưởng và biểu hiện niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng?
2. Khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống như thế nào?
3. Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ được thể hiện ra sao?
4. Nhận xét về các biện pháp tu từ dùng trong bài thơ. Có gì đáng chú ý trong nhịp điệu của các câu thơ?
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
- Tố Hữu (1920 – 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Từ đó, sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng, thơ ông luôn gắn bó và phản ánh chân thật chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
2. Tác phẩm
- Ngày được đứng vào hàng ngũ những người cùng phấn đấu vì một lí tưởng cao đẹp là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với những cảm xúc, suy tư sâu sắc, Tố Hữu viết Từ ấy.
- Bài thơ nằm trong phần “Máu lửa” của tập Từ ấy (tập thơ gồm ba phần: “Máu lửa”; “Xiềng xích”; Giải phóng”).
II. Hướng dẫn học bài
Câu 1 trang 44 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Tố Hữu đã dùng những hình ảnh nào để chỉ lí tưởng và biểu hiện niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng?
- Hình ảnh ẩn dụ để chỉ lí tưởng cách mạng:
+ Nắng hạ: nắng chói chang, nắng cháy bỏng, gay gắt. kết hợp với Động từ mạnh "Bừng.
+ Mặt trời chân lí: là mặt trời toả ánh sáng đúng đắn nhất, mạnh mẽ nhất, là cội nguồn của sự sống. Kết hợp với động từ mạnh “Chói”
+ Hình ảnh: Hồn tôi - vườn hoa lá - đậm hương – rộn tiếng chim.
-> Niềm vui hoá thành âm thanh, màu sắc, hương thơm.
-> Tưng bừng và tràn đầy sức sống.
=> Những câu thơ diễn tả niềm vui vô hạn và lòng biết ơn của nhà thơ khi được ánh sáng của lí tưởng cộng sản ciếu rọi. Vẻ đẹp và sức sống của lí tưởng cách mạng cũng là vẻ đẹp của tâm hồn thơ Tố Hữu.
Câu 2 trang 44 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống như thế nào?
- Suy nghĩ: Tôi buộc lòng tôi với mọi người, biểu hiện cho sự tự nguyện gắn "cái tôi" cá nhân vào "cái ta" chung của mọi người.
- Để tình trang trải với trăm nơi, chỉ tất cả mọi người, biểu hiện cho một tâm hồn trải rộng với cộng đồng, đồng cảm với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.
- Hồn tôi gắn với bao hồn khổ: tình hữu ái giai cấp, ông đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ.
- Hình ảnh: "Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời" mang tính ẩn dụ để chỉ đông đảo người cùng chung cảnh ngộ đoàn kết với nhau vì mục tiêu chung.
=> Quan niệm về lẽ sống của ông là sự gắn bó hài hoà giữa "cái tôi" cá nhân và "cái ta" chung của mọi người.
Câu 3 trang 44 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ được thể hiện ra sao?
- Tình cảm cá nhân chuyển thành tình giai cấp sâu sắc, tình giai cấp đã thành tình cảm gia đình thắm thiết. Biểu hiện qua những từ thân mật như "anh, em, con" thể hiện sự thân thiết gần gũi như một gia đình.
=> Sự chuyển biến thể hiện: tấm lòng đồng cảm, xót thương đối với mọi người lao khổ. Nhà thơ hướng tới lẽ sống lớn của cuộc đời là được hòa mình vào quần chúng lao khổ, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau.
Câu 4 trang 44 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Nhận xét về các biện pháp tu từ dùng trong bài thơ. Có gì đáng chú ý trong nhịp điệu của các câu thơ?
- Biện pháp tu từ ấn dụ: Mặt trời chân lí, vườn hoa lá, đậm hương, rộn tiếng chim
- Từ ngữ: Sử dụng điệp từ mang tính khẳng định: “đã là”, “là con”, “là em”, “là anh”. Và những từ ngữ thuộc trường nghĩa: con, em, anh tất cả tạo nên sự gắn bó, đầm ấm, thân thiết giữa nhà thơ và quần chúng lao khổ.
- Ngôn ngữ; gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu.
- Giọng điệu: Giọng thơ sảng khoái, nhịp điệu thơ hăm hở, giàu nhạc điệu (cách ngắt nhịp thay đổi liên tục theo cảm xúc, vẫn có sức ngân vang).
- Bút pháp: Sự đa dạng của bút pháp: tự sự, trữ tình.
Luyện tập
Câu 1 - Luyện tập trang 44 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Viết một đoạn văn nói lên cảm nghĩ của anh (chị) về khổ thơ mà mình cho là hay nhất trong bài Từ ấy.
Trả lời:
Từ ấy là bài thơ hay ghi lại những cảm xúc của Tố Hữu trong những ngày đầu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu. Trong bài thơ, có lẽ khổ thơ đầu là khổ thơ hay nhất.
Tố Hữu mở đầu bài thơ bằng những câu thơ đầy háo hức, say mê:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hai câu thơ kể lại một kỉ niệm đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ Tố Hữu, đó là khi nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cộng sản và'được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (lúc đó ông mới 18 tuổi, đang hoạt động tích cực trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế). Để thể hiện niềm vui ấy, nhà thơ đã chọn dùng một loạt từ ngữ gợi hình và gợi cảm: bừng (nắng hạ), chói (qua tim), rất đậm (hương), rộn (tiếng chim). Đây đều là những từ ngữ có khả năng tô đậm, nhấn mạnh cảm xúc, tình cảm của nhà thơ. Nó vừa đột ngột, mạnh mẽ vừa sôi nổi và sâu sắc. Vì thế, nó thể hiện được trạng thái cảm xúc hưng phấn của nhân vật trữ tình. Khổ thơ như tiếng reo vui đầy phấn chấn. Ánh sáng của cách mạng chói sáng như "nắng hạ", như "mặt trời" soi đường cho nhân vật trữ tình.
Ở hai câu thơ kế tiếp, bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với những hình ảnh so sánh đã diễn tả nổi bật niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản:
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
Hai câu thơ thực sự là một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với vườn hoa lá ấy còn gì đáng quý hơn mặt trời? Đối với tâm hổn người thanh niên đang bân khoăn đi kiếm lẽ yêu đời, còn gì đáng quý hơn khi có một lí tưởng cao đẹp soi sáng, dẫn dắt? Như thế, Tố Hữu đã sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời và chính lí tưởng cộng sản đã làm cho tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời, làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn. Nhưng Tố Hữu còn là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới ấy của tâm hồn cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật, trái lại, nó đã khơi dậy một sức sống mới, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.
Như vậy, lí tưởng của Đảng như có phép nhiệm màu làm sống lại, làm xanh tươi những tâm hồn. Tâm hồn nhà thơ tràn trề niềm vui sống, lẽ yêu đời để hoạt động cách mạng, để sáng tạo thơ ca.
Câu 2 - Luyện tập trang 44 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Giải thích vì sao nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm thấy trong tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng mình cùng nhân loại..." (Lời tựa tập Trăm bài thơ của Tố Hữu, NXB Văn học, Hà Nội, 1987).
Trả lời:
Trong lời tựa tập Trăm bài thơ của Tố Hữu, nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể thấy trong tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng mình cùng nhân loại...".
Theo Chế Lan Viên, hai yếu tố làm ra anh (phong cách thơ Tố Hữu) là: thi pháp (phương thứ biểu hiện: thể thơ truyền thống, sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu...) và tuyên ngôn (quan điểm nhận thức và sáng tác: gắn bó với quần chúng lao khổ, phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của đồng bào...). Cả hai quan điểm trên đều được thể hiện rõ nét trong bài Từ ấy:
- Thể thơ thất ngôn với cách ngắt nhịp linh hoạt, ngôn ngữ giàu hình ảnh, sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật (so sánh, ẩn dụ...)
- Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cách mạng và tìm thấy những lẽ sống mới.